Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Năm 2017: cuộc chiến mới đầy áp lực của ngành xi măng Việt Nam

Áp lực cạnh tranh

Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, tính đến năm 2016, ngành xi măng có tổng công suất thiết kế đạt gần 88 triệu tấn. Nếu tính cả các dự án đang đầu tư và dự kiến hoàn thành trong năm 2018 thì đến trước năm 2020, tổng công suất thiết kế toàn ngành sẽ nâng lên 108 triệu tấn.

Không dừng lại ở đó, những nhà máy đã vận hành sản xuất cũng không ngừng đầu tư chiều sâu, cải tiến kỹ thuật, công nghệ, tỷ lệ pha phụ gia vào xi măng được nâng lên từ 20% đến 30 - 40%, năng lực sản xuất thực tế trước năm 2020 cũng được nâng lên khoảng từ 118,8 - 129,6 triệu tấn.

Chủ tịch Hiệp hội xi măng Việt Nam, ông Nguyễn Quang Cung cho biết, theo dự báo, nếu trong năm 2020, tiêu thụ trong nước đạt khoảng 82 triệu tấn thì Việt Nam sẽ thừa 36 - 47 triệu tấn xi măng. Theo dự báo trong quy hoạch, nếu năm 2020, khả năng tiêu thụ trong nước là 93 triệu tấn thì sẽ thừa khoảng 25 - 36 triệu tấn xi măng. Năm 2016, nhu cầu tiêu thụ nội địa là khoảng 60 triệu tấn. Theo dự báo, từ nay đến năm 2020, mỗi năm, nhu cầu tiêu thụ xi măng tăng từ 5 - 6 triệu tấn và đến năm 2020, con số này sẽ khoảng 80 - 82 triệu tấn. Trước tình hình này, ông Cung cảnh báo: “Sự dư thừa này có thể bắt đầu từ năm 2017. Đương nhiên, áp lực cạnh tranh tiêu thụ nội địa tiếp tục gia tăng, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh xi măng sẽ tiếp tục “cuộc chiến” giành giật thị phần đầy căng thẳng”.

Các doanh nghiệp xi măng sẽ thấu hiểu rõ nhất áp lực dư thừa và sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường.

Năm 2017: cuộc chiến mới đầy áp lực của ngành xi măng Việt Nam Năm 2017, ngành xi măng Việt Nam sẽ gặp nhiều áp lực hơn

Xuất khẩu gặp khó khăn

Từ một nước nhập khẩu, từ năm 2010, Việt Nam đã trở thành một nước xuất khẩu xi măng. Đỉnh cao, trong năm 2014, Việt Nam xuất khẩu 20 triệu tấn xi măng và clinker, đứng nhất nhì thế giới. Tình hình xuất khẩu xi măng giảm sút từ sau năm 2014. Năm 2015, Việt Nam xuất khẩu được 16,2 triệu tấn, giảm 18% so với năm 2014. Năm 2016, xuất khẩu xi măng clinker của Việt Nam thấp hơn năm 2015 khoảng 2%.

Không chỉ về khối lượng, giá xuất khẩu cũng có sự sụt giảm. Năm 2014, giá xuất khẩu xi măng là trên dưới 55 USD/tấn, FOB clinker dao động 38 - 40 USD/tấn. Trong năm 2015 và 2016, giá xuất khẩu tiếp tục giảm. Giá xuất khẩu FOB clinker hiện nay giảm 20 - 25% so với năm 2014, dao động ở mức 30 USD/tấn. Nguyên nhân của sự giảm sút cả về số lượng và giá cả này là do sự cạnh tranh của Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước khác. Năm 2014, Trung Quốc dư thừa công suất sản xuất xi măng lên đến 700 triệu tấn, hiện nay con số này khoảng 600 triệu tấn/năm. Vì thế, họ xuất khẩu ra thị trường khu vực và thế giới với khối lượng lớn cùng mức giá rất thấp.

Nghị định 100/2016/NĐ-CP và 122/2016/NĐ-CP được thực thi đã khiến thị trường xuất khẩu xi măng vốn đã khó nay lại càng khó hơn. Ngày 01/7/2016 Nghị định 100/2016/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 209/2013/NĐ-CP tại khoản 11 Điều 3 quy định, sản phẩm xuất khẩu là mặt hàng được chế biến từ tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng nếu chiếm từ 51% giá thành sản xuất sản phẩm trở lên sẽ được xếp vào đối tượng không phải chịu thuế Giá trị gia tăng, không được khấu trừ thuế Giá trị gia tăng đầu vào. Từ ngày 01/9/2016, Nghị định 122/2016/NĐ-CP tại phụ lục 1 - Biểu thuế xuất khẩu theo danh mục mặt hàng chịu thuế ở mục 21 cũng quy định: Vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên sẽ chịu thuế suất thuế xuất khẩu 5%.

Khi 2 Nghị định trên có hiệu lực, các doanh nghiệp trong ngành xi măng lo lắng rằng chi phí xuất khẩu xi măng, clinker có thể tăng lên 7,5 USD/tấn xi măng (tính theo giá FOB bình quân 50 USD/tấn) và 4,5 USD cho 1 tấn clinker (theo giá FOB bình quân 30 USD/tấn). Việc tăng chi phí này sẽ khiến ngành xuất khẩu xi măng của Việt Nam rất khó cạnh tranh. Ông Cung nhấn mạnh: “Xuất khẩu gặp khó khăn, chắc chắn thị trường xi măng trong nước sẽ ảnh hưởng rất lớn, một số doanh nghiệp sản xuất phải đối mặt với tình trạng ngưng sản xuất hoặc phá sản. Kéo theo đó, mục đích tăng thu ngân sách và  tiết kiệm tài nguyên khoáng sản trong xi măng xuất khẩu và đều không thể đạt được” .

Trước thực trạng này, thay mặt toàn ngành, Hiệp hội Xi măng Việt Nam đã xin kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành tạm thời hoãn việc thi hành 2 Nghị định trên với ngành xi măng; tiếp tục chỉ đạo, cùng với các doanh nghiệp xi măng tìm các giải pháp nhằm giảm tỷ lệ sử dụng tài nguyên khoáng sản, nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm giá thành và tăng đóng góp vào ngân sách Nhà nước. Tại phiên họp thường niên năm 2016 mới diễn ra tại Bali (Indonesia), Hiệp hội Xi măng Đông Nam Á đã bày tỏ quan ngại về việc Việt Nam áp dụng chính sách thuế theo 2 Nghị định nêu trên với ngành xi măng. Hội cũng cho rằng, việc thực thi biện pháp này có thể làm giảm sức cạnh tranh của xi măng Việt Nam và đây là giải pháp mà các nước trên thế giới không áp dụng.

Ngành xi măng Việt Nam cũng đã và đang tiến hành đầu tư theo chiều sâu, cải tiến công nghệ, tăng tỷ lệ pha phụ gia vào xi măng. Tỷ lệ phụ gia trong toàn ngành đã tăng lên đến 30 - 40%, tỷ lệ clinker đã giảm từ 80% xuống còn 70 - 60%, giảm đáng kể lượng tiêu tốn đá vôi, đất sét và than. Bên cạnh đó, ngành cũng đẩy mạnh sử dụng phế thải công nghiệp, đặc biệt là tro, tro xỉ luyện kim làm nguyên liệu, xỉ nhiệt điện, phụ gia thay thế trong sản xuất xi măng, thay thạch cao tự nhiên bằng việc sử dụng phế thải làm thạch cao nhân tạo, tăng cường sử dụng nhiệt khí thải trong sản xuất xi măng để phát điện… tiết kiệm và bảo vệ môi trường. Ngoài ra ngành xi măng còn áp dụng hàng loạt các giải pháp quyết liệt nhằm giảm bớt việc sử dụng tài nguyên khoáng sản trong nước như giảm tiêu thụ điện trong sản xuất từ 100KWh/tấn xi măng xuống dưới 90KWh, giảm lượng than tiêu tốn nhằm giảm chi phí năng lượng từ khoảng 800Kcal/kg clinker xuống dưới 700Kcal/kg clinker…

0 nhận xét:

Đăng nhận xét